Trong mấy ngày qua, cộng đồng người Việt tại nhiều
nước trên thế giới đã tiến hành biểu tình phản đối Trung Quốc kéo giàn
khoan HD 981 vào sâu trong lãnh hải Việt Nam.
Hãng tin AP chụp hình người biểu tình phản đối trước Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại TPHCM
Đài NHK của Nhật Bản
đưa tin, ngày 11/5 tại Tokyo, khoảng 300 người Việt Nam biểu tình phản
đối Trung Quốc vì những căng thẳng gần đây giữa hai nước ở Biển Đông.
Họ tập trung tại một công viên gần Đại sứ quán Trung Quốc ở Tokyo.
Trước khi bắt đầu biểu tình, đại diện nhóm đã đến trước cơ quan này để đọc Kháng nghị thư.
Sau đó, những người biểu tình trong
trang phục in hình quốc kỳ Việt Nam tuần hành trên đường phố. Họ giương
biểu ngữ và hô khẩu hiệu bằng cả 3 thứ tiếng Việt-Nhật-Anh với các nội
dung "Trung Quốc không được xâm phạm chủ quyền của Việt Nam", hay
"Trung Quốc, hãy hành xử như một nước lớn".
Một người biểu tình cho biết cô rất phẫn
nộ trước hành động của Trung Quốc. Cô yêu cầu Trung Quốc phải tôn
trọng luật pháp quốc tế và chấm dứt hành động phi pháp trên Biển Đông.
Cùng ngày tại Cộng hòa Séc,
hàng trăm người Việt đã biểu tình vào lúc 15 giờ trước Đại sứ quán
Trung Quốc tại Praha hô to khẩu hiệu đả kích Trung Quốc xâm lấn Việt
Nam.
Cũng trong ngày 11/5, người Việt tại CHLB Đức
cũng xuống đường biểu tình phản đối Trung Quốc từ 14h đến 17h00 tại
Quảng trường Potsdamerplatz, Berlin. Theo phản ánh của truyền thông
địa phương, đã có khoảng 800 người Việt và thậm chí có cả những người
địa phương có quan hệ với kiều bào ta ở Đức, đã tham gia vào cuộc biểu
tình này với khẩu hiệu “Không được đụng đến Việt Nam!”, “Trường
Sa. Hoàng Sa là của Việt Nam”.
Trước đó, trên website riêng của hội,
Ban Điều hành biểu tình- Liên hiệp người Việt toàn Liên Bang Đức, đã
cho thông báo lời kêu gọi xuống đường với nội dung đại ý: “… Ban Điều
hành biểu tình kêu gọi toàn thể bà con người Việt Nam đang sinh
sống, học tập và làm việc tại CHLB Đức, các hội đồng hương,
các đoàn thể xã hội, các tổ chức tôn giáo, không phân biệt
hoàn cảnh xuất xứ, già trẻ, gái trai nếu có lòng yêu nước
Việt Nam và tự nguyện cùng tham gia cuộc biểu tình”.
Lời kêu gọi đó đoạn: “… ý đồ xâm lược
của Trung Quốc đã rõ và càng rõ khi họ ngày càng ngang ngược trên Biển
Đông. Đây không còn là âm mưu nữa, mà là hành động xâm lăng trắng
trợn và phơi bày chủ nghĩa bành trướng bẩn thỉu trước toàn thế giới.
Bộ mặt giả dối của Trung Quốc càng ngày càng bộc lộ. Trung Quốc đã
đánh mất uy tín, mất lòng tin với cả thế giới. Chính phủ, các nhà
chính trị và giới học giả nhiều nước đã đồng loạt lên án các hành động
ngang ngược của Trung Quốc vi phạm trắng trợn chủ quyền của Việt Nam
tại Biển Đông. Giới học giả các nước cũng bày tỏ bất bình trước các
hành động của Trung Quốc, cáo buộc Bắc Kinh đang vi phạm chủ quyền lãnh
hải của Việt Nam. Đây là làn sóng dư luận rộng rãi nhất nhằm vào Trung
Quốc kể từ khi nước này thực thi chính sách trỗi dậy gây căng thẳng
trong khu vực.
Việt Nam đang dùng sức mạnh của đấu
tranh chính trị, ngoại giao, kể cả sức mạnh pháp lý, không chỉ dựa vào
sức mạnh của bản thân mà còn đang kêu gọi thế giới lên tiếng ủng
hộ. Việt Nam càng nhân nhượng, Trung quốc càng lấn tới, lúc này
chúng ta không thể lùi được nữa, lãnh thổ là thiêng liêng. Đây là việc
chung của 90 triệu con người Việt Nam không kể trong nước hay ở
nước ngoài…”.
Trước đó ngày 8/5, sau khi báo chí Việt
Nam thông tin về vụ Trung Quốc đưa giàn khoan Hải dương 981 ra thăm dò
dầu khí tại lãnh hải Việt Nam và tàu hải cảnh Trung Quốc tấn công tàu
kiểm ngư Việt Nam, cộng đồng người Việt ở hải ngoại đã vô cùng phẫn nộ.
Một cuộc biểu tình ôn hòa chống Trung Quốc gây hấn đã được tổ chức
ngay tại Berlin ngày hôm đó. Ước tính khoảng 1.000 người đã tham dự sự
kiện này.
Còn tại Mỹ, theo truyền
thông Los Angeles, chỉ một ngày sau khi biết tin Trung Quốc đưa giàn
khoan khổng lồ vào vùng biển Việt Nam, một số người Việt ở California,
đã không quản ngại đường xá xa xôi lên tận Tổng lãnh sự Trung Quốc ở
Los Angeles tổ chức một cuộc biểu tình phản đối rất quyết liệt, vào lúc
11 giờ trưa ngày 7/5. Người biểu tình cầm biểu ngữ khẳng định chủ
quyền của Việt Nam, miệng hô to các khẩu hiệu “Đả đảo Trung Quốc”,
“Trung Quốc hãy chấm dứt hành động xâm chiếm Việt Nam”.
Tại Pháp, khoảng 350
người Việt, chủ yếu là sinh viên du học trong đó nhiều trí thức trẻ mới
thành tài, đã biểu tình tại quảng trường Trocadero, chống các hành
động gây hấn ở Biển Đông của Trung Quốc. Dưới một rừng cờ đỏ, người
biểu tình xếp hàng ngang 3,4 lớp trên sân đá giữa hai chái của lâu đài
Chaillot, với một băng-rôn lớn nhất mang hàng chữ "Solidarité contre
l'Invasion chinoise" (Đoàn kết chống Trung Quốc xâm lược), một băng
khác bằng hai thứ tiếng "China, stop invading" và "Non à l'Invasion
chinoise" ("Trung Quốc, hãy ngừng xâm lăng"), cùng nhiều bản đồ Biển
Đông với cái lưỡi bò đỏ lòm, và những khẩu hiệu khác được viết nhỏ
hơn...
Trở lại với tình hình trong nước,
các cuộc tuần hành phản đối Trung Quốc tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và
Đà Nẵng ngày 11/5 đã được các hãng truyền thông quốc tế phản ánh nhanh
chóng và đồng loạt.
Hãng thông tấn Mỹ, AP, từ đầu giờ trưa
ngày 11/5 đã có bài viết phản ánh việc hàng trăm người dân ở Hà Nội
xuống đường biểu tình ôn hòa để phản đối việc Trung Quốc gây căng thẳng
trên biển và gây nguy cơ xung đột bằng việc đưa giàn khoan vào vùng
biển của Việt Nam. Thông tin này sau đó đã được nhiều tờ báo và kênh
truyền hình khác của Mỹ như Washington Post, ABC News dẫn lại.
Hãng thông tấn của Pháp, AFP, ngày hôm
qua cũng có bài viết mô tả hoạt động biểu tình tại Việt Nam với tựa đề
"Biểu tình lớn ở Việt Nam phản đối Trung Quốc đặt giàn khoan dầu".
Ngoài ra các hãng tin của Anh như
Reuters, BBC News cũng có bài tường thuật trực tiếp các cuộc biểu tình
của người Việt Nam phản đối hành động xâm phạm chủ quyền của Trung
Quốc.
Hãng tin Đức DPA, trang điện tử của báo
Bangkok Post cũng đã có bài viết hoặc dẫn lại nguồn tin của các hãng
thông tấn lớn đề cập về hoạt động phản đối Trung Quốc của người dân
Việt Nam.